|
Từ điển Tiếng Việt (Vietnamese Dictionary)
Nguyễn Tất Thành
(Canh dần 1890 - Kỷ Dậu 1969)
Tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam, người sáng lập Đảng cộng sản đông dương, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung. Trong nhiều năm hoạt động Cách Mạng lấy tên là Nguyễn ái Quốc và nhiều tên khác ( Lý Thụy, Anh Ba, Vương Sơn Nhi, Chàng Vương, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Thầu Chín). Con chí sĩ Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) và bà Hoàng Thị Loan, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (Có sách chép năm sinh là năm 1892 hay 1894 như Trần trọng Kim, tiến sĩ Smith - Giáo sư Đại học Luân Đôn -Anh)
Xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, thuở nhỏ thông minh, hiếu học. Đến tuổi thiếu niên theo thân phụ vào Huế học tại Trường tiểu học Đông Ba, trường trung học Quốc học. Đầu năm 1911 Người bỏ học với ý định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. trên đường vào Sài Gòn Người ghé Phan Thiết (thủ phủ tỉnh Bình Thuận), dạy học một thời gian ngắn tại Trường Dục Thanh do các nhà yêu nước lập ra. Sau Người vào Sài Gòn lấy tên là Ba làm phụ bếp cho tàu buôn Amiral Latouche Tréville, rồi sang Pháp tìm hiểu tình hình thế giới. Tại đây Người liên lạc mật thiết với nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường ... và đến các nước Anh, Đức, Mỹ một thời gian. Năm 1917, ông tham gia Đảng xã hội Pháp, lập Hội những người Việt Nam yêu nước để tuyên truyền và giác ngộ Việt kiều ở Pháp. Năm 1918 Người cùng các nhà yêu nước khác gửi đến hội nghị Versailles một yêu sách gồm 8 điểm đòi tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của người Việt nam với tên là Nguyễn A_i Quốc. Năm 1921. Ông tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng sản Pháp (1923) ông được cử tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội. ở đây ông và các đồng chí khác xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cuối năm 1923 Người sang Liên Xô với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa. Tại hội nghị Quốc tế nông dân Người được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. trong thời gian này Người làm việc ở Quốc tế Cộng sản và viết bài cho các báo Sự thật, Thư Tín Quốc tế. Cuối năm 1924, ông về Quảng Châu (Trung quốc) với tên là Lý Thụy công tác trong phái đoàn Brodine (cố vấn của Liên Xô bên cạnh chính phủ Quốc dân đảng Trung quốc). Tại đây ông sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tập hợp các nhà yêu nước ở nước ngoài và tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở á đông. Năm 1927 sau vụ khởi nghĩa Quảng Châu Người đi Liên Xô, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, ... Giữa năm 1928 Người về hoạt động ở Thái Lan và xuất bản báo thân ái. Các năm 1930 -1931, tuy ở nước ngoài ông vẫn chỉ đạo thực hiện phong trào Xô Viết ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh khác. Tháng 6-1932 Người bị mật thám Anh bắt tại hương cảng, đến đầu năm 1933 mới được trả tự do, sau đó Người trở lại Liên Xô học tại trường Đại học Lénine. Năm 1938 Người về hoạt động ở Quảng Tây (Trung quốc) trong đơn vị Bát lộ quân Trung Quốc, đầu năm 1939 Cụ liên lạc lại với ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương qua xứ ủy Bắc Kì. Cuối năm 1940 Người về nước, lập căn cứ ở Pác Bó (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) đào tạo cán bộ và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các hội Cứu quốc ở các địa phương để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tháng 8 năm 1942 Người lấy tên là Hồ Chí Minh rồi trở sang Trung Quốc liên lạc với các tổ chức cách mạng của người Việt nam ở đó. Vừa đến biên giới thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam một năm. Trong thời gian ngồi tù cụ viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù). Tháng 9 năm 1943, sau khi được trả tự do, Người tiếp xúc với các tổ chức chống Pháp - Nhật của người Việt nam ở Liễu Châu, bắt liên lạc được với Đảng rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng. Cuối năm 1944 Cụ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và lập Khu giải phóng Việt Bắc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945 Người chủ tọa Hội nghị Quốc dân toàn quốc (Quốc dân đại hội). Tại Đại hội người được bầu làm chủ tịch. Ngày 25-8-1945 Cụ về Hà Nội chủ tọa phiên họp của Tổng bộ Việt Minh thành lập chính phủ lâm thời
Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ đọc bản Tuyên ngôn độc lập do Người viết, tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa chấm dứt chính quyền phong kiến, thực dân ngự trị lâu dài trên đất nước Việt Nam. Đến ngày 19-12-1946 do sự khiêu khích của thực dân Pháp Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến năm 1954- với chiến thắng ở Điện Biên Phủ - quân Pháp bị bắt buộc kí hiệp định Genève rút quân ra khỏi Việt Nam. Đầu năm 1955 Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội trước sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân thủ đô. Các năm 1957 -1960 Chủ tịch đi thăm các nước Xã hội Chủ nghĩa nhằm thắt chặt tình hữu nghịvà tổng kết vấn đề chiến lược của Cách mạng thế giới. Sau khi Mĩ can thiệp vào miền nam và chiến tranh xảy ra ác liệt, ở cả hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964) nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi cho cách mạng
Trong những năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, Cụ vẫn sáng suốt lãnh đạo nhân dân xây dựng và kháng chiến. Ngày 2-9-1969 (lúc 9 giờ 47 phút) Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Hà Nội hưởng thọ 79 tuổi để lại sự thương tiết khôn nguôi trong lòng toàn thể nhân dân Việt nam. Trước khi về thế giới bên kia Chủ tịch có lời "Di chúc: về việc riêng " Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi tức là "hỏa táng" (...) Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mã không nên có bia đá, tượng đồng mà nên xây một ngôi nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để cho những người đến thăm viếng có chỗ nghĩ ngơi". Trong lễ Quốc tang Chủ tịch, Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam điếu bài " Điếu văn" trong đó có đoạn: " Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Một tác giả khuyết danh - trước đây ở Sài Gòn - trân trọng điếu cụ: " Thế giới đạo tiền trình, Âu á kim vô hậu bối; Vĩ nhân tân xã hội, Mã Liệt chi hậu hữu tiên sinh". Nghĩa: Vạch ra con đường lên thế giới mới xưa nay Âu á chưa từng có như người; Vĩ nhân của xã hội mới, sau Các mác, Lê Nin chỉ người mà thôi
Ngoài một nhà cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn, một nhà lý luận sáng giá. Cụ còn để lại đời các tác phẩm nổi tiếng: "Đường Kách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, Con rồng tre, Nhật kí trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Sửa đỗi lề lối làm việc. Và một số lớn thơ văn khác
|
|
|
|